GIÊSU - NHÂN VẬT GIẢ TƯỞNG?

Mối hoài nghi về nhân vật Giê-su lịch sử chẳng bao giờ dứt. Có người cho đó là một nhân vật giả tưởng. Có kẻ bảo đó là một thứ thủ lãnh của một giáo phái. Có kẻ lại bảo Ki-tô chỉ là một trong những sơ nguyên tượng được dùng để nói lên bi kịch của kiếp người: đau khổ, lo âu, tình yêu. Và có người còn nói: Vị sư phụ đó xem ra hay đấy, nhưng ông ta đâu có liên hệ gì tới tôi.

Dĩ nhiên, như ta vẫn thấy, người ta có thể hoài nghi mọi chuyện lịch sử. Chẳng hạn như có một vị trý thứcbảo không có Đại đế Karl*, nghĩa là ông chối bỏ cả một lịch sử hai trăm năm. May mà chúng ta không ăn theo trong vụ này. Tài liệu lịch sử cho ta biết về biến cố, nhưng chúng không giúp ta sờ được chính sự kiện.

Như vậy nghĩa là còn có chỗ cho những giả định, hồ nghi?

Không. Ngay cả khi ta chỉ dùng những tiêu chuẩn lịch sử đã được công nhận để xét, thì sự hiện hữu của  Đức Giê-su đã quá rõ và đầy đủ, đến nỗi ta không còn nghi ngờ gì nữa về nhân vật lịch sử này. Những gì được truyền tụng về Ngài khác hẳn với những gì có thể tạo ra hay tưởng tượng ra. Chúng bẻ gẫy mọi mô hình giả định.Và ở đây ta có thể nhận ra cả dấu vết của biến cố lẫn những gì sau đó đã hình thành nên từ biến cố đó. Cả hai không thể giải thích được bằng những phạm trù tư tưởng, mà chỉ bằng va chạm nền tảng với một sự kiện đã thực sự xẩy ra. Vì vậy, theo tôi, việc hoài nghi về sự hiện hữu của  Đức Giê-su là chuyện thiếu đứng đắn.

Nhưng đâu là nguồn sử liệu thật sự khả tín?

Anh cũng biết, càng ngày người ta càng đào sâu vào tài liệu và bới qua bới lại quanh chúng. Người ta muốn chẻ nhăm chúng ra để phân tích. Để cuối cùng chỉ còn lại một nhúm dữ kiện nghèo nàn và người ta bỗng tự hỏi, làm sao một khuôn mặt nghèo nàn như thế này mà lại cưu mang được những biến cố như thế kia.

Ta không được phép quên điều này: Bức thư thứ nhất gởi giáo đoàn Cô-rin-tô, lá thư làm chứng về việc sống lại của Chúa và về việc lập phép Thánh Thể, đã có bằng văn bản, trước khi Phao-lô khởi sự viết. Lá thư được viết vào thập niên 50 sau ngày chúa Ki-tô sinh. Và nội dung lá thư ghi lại những gì đã được truyền tụng trước đó ở Giê-ru-sa-lem. Như vậy có nghĩa là Phao-lô đã chép lại những gì đã được viết ra, như chính ngài đã nói. Cả văn phong của thư cũng cho thấy ta đang tiến sát thật gần chính ngay các sự kiện.Tôi phải thú thật, càng nghe về những nỗ lực nghiên cứu nguồn sử liệu, tôi càng bớt tin vào các giả thuyết đi quá đà của các chuyên gia. Và những giả thuyết đó cứ lặp đi lặp lại và không ngớt mâu thuẫn nhau. Ngay Albert Schweitzer* đã chỉ trích việc cố công nặn ra một Giê-su lịch sử để đối lại với Đức Ki-tô của niềm tin, việc làm đã được khởi sự từ khi mở đầu thời kì Ánh sáng. Schweitzer bảo, ta tưởng lúc này đây đã có được khuôn mặt thật của Ngài, nhưng thực ra Ngài đã vượt qua thời đại chúng ta rồi và đã trở về lại với chính Ngài rồi.

Tôi nghĩ, tất cả những nỗ lực kia chỉ là những tái cấu trúc, trong đó người ta luôn chỉ nhận ra khuôn mặt của nhà tái tạo mà thôi. Dù là Đức Ki-tô của Adolf Harnarck – phản chiếu típ người tự do của ông; hay là Đức Ki-tô phản chiếu loại triết lí hiện sinh của Bultmann*. Tất cả những cấu trúc đó đều được thực hiện với ý nghĩnền tảng này: Không thể có Chúa như là một con người được. Vì thế, họ không công nhận tính lịch sử của các biến cố làm tiền đề cho Ngài. Có nghĩa là ở đây người ta đã khởi sự làm việc với một điều kiện, là phải loại ra khỏi biến cố cái lực nội tại của nó – nhưng chính lực này mới là cái tạo cho biến cố sự lôi cuốn và đầy đủ ý nghĩa.

Vậy cách làm việc của ngài như thế nào?

Tôi nghĩ, đúng hơn ta nên đặt câu hỏi: „Khuôn mặt như trong Tân Ước mô tả có nói lên ý nghĩa gì không? Và câu trả lời của tôi có thể sẽ là: Chỉ có khuôn mặt như trong Tân Ước mới thật mang ý nghĩa. Chỉ như thế nó mới mang chiều kích cao cả và mới có thể tạo ra được những biến cố như kia. Vì thế, theo xác tín của tôi, ta có lí do để tin vào Tin Mừng, dù cho mọi phê bình nguồn sử liệu, mà mình cũng có thể học được trong đó nhiều chuyện. Có thể có những tiểu tiết lưu truyền đã bị người đời sau làm biến thể, nhưng tựu trung các chứng từ Tin Mừng đều đáng cậy, và ta có thể gặp được khuôn mặt thật của Đức Ki-tô trong đó. Tin Mừng đáng cậy hơn nhiều so với những tái cấu trúc lịch sử xem ra vững chắc.

Tôi muốn thêm: Tin Mừng Gio-an, mà một thời gian dài chỉ được xem như là một sáng tác thuần tuý thần học (Bultmann chẳng hạn đã cố minh chứng đó là sản phẩm của các phong trào ngộ giáo), ngày nay lạ lùng thay đã được công nhận là một sử liệu. Tin Mừng này có những chỉ dẫn địa lí đúng đắn nhất, và có một kiến thức đúng nhất về lối nghĩ và cách sống của người Do-thái thời đó. Nhà chú giải Klaus Berger ở Heidelberg vì vậy muốn coi nó là bản văn kì cựu hơn các Tin Mừng khác. Điểm này có lẽ tôi không cùng quan điểm. Tục truyền bản văn hình thành vào cuối thế kỷthứ nhất. Ta cứ việc biết như thế. Tuy nhiên đó là một tài liệu với kiến thức rất chính xác, và viễn kiến thần học của nó không tách khỏi nền tảng lịch sử.